


Tham dự tại phiên tòa giả định có đồng chí Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường; đồng chí Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đoàn thanh niên phường; đồng chí Đinh Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường; đồng chí Trần Văn Tiển, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường; đồng chí Nguyễn Trọng Hiếu, Phó trưởng Công an phường; cô Nguyễn Thị Mỹ Huệ, Phó Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Lương Định Của; Luật sư Trần Xuân Thủy, Phó Ban Truyền thông tư vấn Pháp luật công ty Truyền thông Thiên Ân và sự tham dự của gần 2000 cán bộ, giáo viên và các em học sinh trường Trung học Cơ sở Lương Định Của.


Phiên tòa giả định được xây dựng từ tình huống thực tế về đối tượng tham gia sử dụng trái phép chất ma túy và thuốc lá điện tử. Với các vai diễn như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người bào chữa...được chuẩn bị kỹ lưỡng và diễn xuất chân thực, phiên tòa đã tái hiện sinh động không khí xét xử, giúp các em học sinh hiểu rõ quy trình tố tụng và hậu quả pháp lý nghiêm trọng từ hành vi liên quan đến ma túy. Các phần xét hỏi, tranh luận, luận tội thể hiện mạch lạc, rõ ràng, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Thông qua phiên tòa giả định là hoạt động tư vấn pháp luật nhằm giúp các em học sinh nắm bắt được đầy đủ quy định của pháp luật. Qua đó, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng trong việc phòng, chống ma túy thuốc lá điện tử, giúp các em có thêm kiến thức góp phần tự bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội…


Trong bối cảnh tội phạm ma túy đang có chiều hướng gia tăng, lan rộng và xâm nhập vào học đường, phiên tòa giả định không chỉ mang tính giáo dục cao mà còn là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với bản thân, gia đình và cộng đồng trong cuộc chiến phòng, chống ma túy. Phiên toà giả định xét xử vụ án “Tàng trữ sử dụng trái phép chất ma tuý và tuyên truyền pháp luật về tác hại của thuốc lá điện tử” không những giúp cho các em học sinh hiểu được tác hại của việc sử dụng ma tuý mà còn huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư tham gia vào phong trào phát hiện, tố giác tội phạm ma tuý, đấu tranh chuyển hoá địa bàn phức tạp về ma tuý, tệ nạn ma tuý; tăng cường công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên ngay tại gia đình, khu dân cư và trường học; không để bọn tội phạm có điều kiện lôi kéo thanh thiếu niên, học sinh vào việc mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma tuý; kiềm chế sự gia tăng người nghiện mới, hạn chế người tái nghiện.