
Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y Tế, trong quý I-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Đáng chú ý là vụ ngộ độc xảy ra trong tháng 3-2024 tại quán cơm gà Trâm Anh (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khiến hàng trăm người phải nhập viện. Đến tháng 4-2024 lại xảy ra các vụ ngộ độc tại các trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngộ độc tại lễ hội ở Bình Dương. Đặc biệt, trong đầu tháng 5-2024 đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai liên quan đến món bánh mì khiến hàng trăm người nhập viện, trên địa bàn thành phố Thủ Đức cũng ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng bất thường sau khi sử dụng thực phẩm mua trước cổng trường học, hàng rong trên đường… Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Hiện tại cả nước đang bước vào cao điểm nắng nóng cũng như chuẩn bị giao mùa thời tiết, sức khỏe của người dân cũng qua đó mà ảnh hưởng, đặc biệt là đối tượng trẻ em, học sinh, người lớn tuổi… Bên cạnh đó, nhận thức của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng còn hạn chế trong khâu chế biến, bảo quản, lựa chọn thực phẩm. Từ đó dẫn đến một số tình trạng mất an toàn thực phẩm.
Ngày nay, do thói quen cũng như tính chất công việc, một bộ phận người dân thường lựa chọn mua sắm thực phẩm, nguyên liệu từ những người kinh doanh hàng rong, thức ăn đường phố. Ưu điểm của việc mua sắm này là người dân có thể mua và sử dụng ngay trên các tuyến đường mà không tốn thời gian chế biến. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Như trường hợp các học sinh tại Khánh Hòa bị ngộ độc thực phẩm với thông tin dịch tễ có liên quan đến các món ăn trước cổng trường. Hay trường hợp các học sinh bị ngộ độc từ những loại kẹo không rõ nguồn gốc mua trước cổng trường học tại tỉnh Lâm Đồng. Trên địa bàn thành phố Thủ Đức cũng ghi nhận một số trường hợp học sinh có triệu chứng bất thường sau khi ăn thực phẩm mua trước cổng trường học, hàng rong trên đường... Cũng chính vì loại hình kinh doanh không có địa chỉ cố định như vậy nên khi xảy ra vấn đề sự cố mất an toàn thực phẩm gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta cần lựa chọn, sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng đầy đủ.
Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Thủ Đức khuyến cáo người dân:
“Không mua, bán, tiêu thụ những thực phẩm không đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình chế biến, bảo quản theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện tình trạng sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa là thực phẩm mà không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng cần báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể xử phạt lên đến hàng trăm triệu, thu hồi giấy phép hoạt động. Trong trường hợp sử dụng các hóa chất ngoài danh mục cho phép, hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ngộ độc thực phẩm tập thể số lượng lớn hoặc dẫn đến tử vong có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguồn: Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức