Khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu mua bán, trao đổỉ hàng hóa của người dân ngày càng tăng cao, hàng hoá tập trung nhiều tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ xảy ra và thiệt hại do cháy nổ gây ra tại các chợ, siêu thị trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đề nghị chủ đầu tư, ban quản lý, tiểu thương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cần phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ đảm bảo cơ số phù hợp; công tác thông tin liên lạc, phối hợp với các cơ quan có liên quan phải đảm bảo thông suốt để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Hai là, hướng dẫn tiểu thương bố trí, sắp xếp hàng hóa không để lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, quầy hàng đã quy định; không bố trí gần nơi có các hệ thống điện, trên lối đi, hành lang; cầu thang, lối thoát nạn. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất nguy hiểm cháy như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ.
Ba là, nghiêm cấm việc thắp đèn, nến, thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ, siêu thị. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Bốn là, không làm thêm mái che, mái vẩy, không bố trí các quầy hàng, bãi để xe, vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các ngôi nhà của khu vực chợ, siêu thị với các khu vực lân cận.
Năm là, tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (cầu dao, áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh. Khi hết giờ kinh doanh, phải cắt toàn bộ hệ thống điện, trừ hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ. Định kỳ kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện, dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ và thay mới khi không đảm bảo an toàn.
Sáu là, chủ động trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy mô tính chất hoạt động như: Hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà, bình chữa cháy .... Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở.
Bảy là, khi xảy cháy hãy bình tĩnh, kịp thời phối hợp với các đơn vị cá nhân liền kề tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản theo phương châm 4 tại chỗ "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ", đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp (số điện thoại 114) và các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.